Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam là một lễ hội đặc sắc mang đậm nét văn hóa của người Châu Đốc, An Giang nói riêng hay người Tây Nam Bộ nói chung. Vậy bạn đã biết gì về lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam? Lễ hội được tổ chức khi nào? Ở đâu? Cùng onsetbluesfestival.com tìm hiểu qua bài viết để hiểu rõ hơn nhé!
Contents
I. Nguồn gốc về lễ hội vía Bà chúa Xứ núi Sam
Lễ hội Vía bà chúa Xứ núi Sam là một lễ hội truyền thống đã xuất hiện từ rất lâu đời, mang đậm chất bản sắc văn hóa dân tộc của vùng sông nước Tây Nam Bộ. Lễ hội này đã được công nhận là Lễ hội cấp Quốc Gia năm 2001. Năm 2014, lễ hội được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Hơn nữa năm 2016, Lễ hội này còn được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Lễ hội này tổ chức thu hút nhiều khách du lịch đến thăm quan thúc đẩy du lịch nơi đây phát triển.
Vậy nguồn gốc của lễ hội vía Bà chúa Xứ núi Sam là gì? Theo truyền thuyết, vào khoảng năm 1820 – 1825, khi quân Xiêm xâm lược nước ta đã gặp một pho tượng đá lớn sừng sững trên đỉnh núi Sam. Họ đã cố gắng khiêng pho tượng xuống núi, nhưng đến một đoạn thì bức tượng Bà đột nhiên trở nên nặng nề đến mức không thể nhấc nổi. Một trong số họ đã tức giận nên đã làm gãy cánh tay trái của Bà nhưng nhanh chóng bị trừng phạt.
Sau một thời gian, tượng Bà xuất hiện trong giấc mơ của nhiều người trong làng, nhưng khi những thanh niên lực lưỡng đến nhấc thì không thể lên được. Lúc này có cô gái là Chúa Xứ Thánh Mẫu đã nói rằng chỉ cần 9 cô gái đồng trinh có thể di chuyển được bức tượng một cách dễ dàng. Đến chân núi, Tượng Bà đột nhiên trở nên nặng nề và không thể di chuyển. Từ đó, người dân địa phương hiểu rằng đây chính là địa điểm được Bà Chúa chọn và lập miếu thờ nơi đây.
II. Lễ hội vía bà Chúa Xứ núi Sam tổ chức khi nào?
Lễ hội vía Bà chúa Xứ núi Sam được tổ chức hằng năm bắt đầu từ đêm 23/4 đến 27/4 âm lịch tại Miếu Bà Chúa Xứ thuộc phường núi Sam, thành phố châu Đốc, tỉnh An Giang.
Miếu bà Chúa Xứ tọa lạc tại chân núi Sam, đây là một di tích quan trọng của tỉnh và khu vực hằng năm thu hút 2 triệu lượt khách đi hành hương.
Lễ hội chứa đựng những dữ liệu sinh động về dấu ấn lịch sử thời kỳ người Việt đến vùng đất An Giang với sự giao lưu và hội nhập về kinh tế, văn hóa của dân tộc Khmer, Hoa, Chăm rồi tạo ra sự đồng thuận trong quá trình dựng và giữ nước.
III. Lễ hội vía bà Chúa Xứ có gì đặc sắc?
Lễ hội được thực hiện theo nghi thức truyền thống gồm các lễ chính: Lễ tắm Bà, Lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về Miếu Bà, Lễ Túc Yết, Lễ Xây chầu; cuối cùng là Lễ Chánh tế, sau đó bài vị của Thoại Ngọc Hầu được Hồi sắc về lăng. Trong đó, Lễ tắm Bà được tổ chức trang nghiêm vào đêm 23 rạng sáng 24 tại Chính điện, đây cũng là phần lễ được quan tâm nhất của du khách.
1. Lễ tắm Bà
Vào đúng 24h đêm ngày 23 và rạng sáng ngày 24 tháng 4 âm lịch, sẽ bắt đầu khai lễ từ việc tắm Bà. Thực chất đây là hoạt động lau chùi và thay xiêm y áo Mão cho tượng Bà. Nước dùng để tắm Bà là nước thơm, còn bộ y phục cũ để cắt ra từng mảnh nhỏ để phát cho những người đến tham dự lễ hội và coi như đây là bùa hộ mệnh của Bà ban cho người dân.
Kết thúc nghi thức tắm bà thì bức màn vải được vén lên mọi người đến trẩy hội sẽ chen nhau đến chiêm ngưỡng và xin lộc từ Bà sau đó tự do bái lễ dâng hương.
2. Lễ thỉnh sắc Thoại Ngọc Hầu về miếu Bà
Lễ này sẽ được diễn ra vào lúc 15 giờ ngày 24 tháng 4 Âm lịch. Các bô lão trong làng và Ban quản trị tặng miếu sẽ mặc lễ phục chỉnh tề để sang lăng Thoại ngọc Hầu nằm đối diện với miếu Bà để làm lễ Thỉnh sắc rước 4 bài vị.
Đoàn thỉnh sắc sẽ có đoàn múa lân đi trước sau đó đến ông chánh bái, hai vị bô lão và vị những chức sắc. Sau nghi thức dâng hoa, đoàn Thỉnh sắc sẽ rước 4 bài vị lên long đình về Miếu Bà.
3. Lễ Túc Yết
Lễ Túc yết diễn ra vào lúc 0 giờ ngày 25 và 26 tháng Tư, gồm hai phần: lễ tế và lễ xây chầu. Lễ vật chính là một con lợn trắng, một mâm trái cây, trầu cau, gạo và muối. Sau khi đánh ba hồi chiêng, trống, nhạc lễ, lễ dê hương và hầu trà là bắt đầu.
Nghi lễ tế kết thúc bằng việc ông Chánh đốt văn cúng bằng giấy vàng bạc.
Phần tiếp theo là phần Xây chầu được thực hiện tại nhà võ. Sau phần cầu nguyện của Ông Chánh Bái, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, nhân dân ấm no hạnh phúc, yêu ma tiêu diệt, buổi lễ bắt đầu với ba lệnh trống. Sau đó chiêng trống nổi lên, bắt đầu chương trình hát Bội (Hát Bộ, Hát Tuồng).
4. Lễ Chánh tế
Lễ Chánh Tế được tiến hành cuối cùng vào ngày 27 tháng 4. Lúc này đoàn hành lễ sẽ rước bài vị Thoại Ngọc Hầu và nhị phu nhân từ miếu trở về. Chương trình hát Bội cũng chấm dứt. Đây cũng chính là nghi thức cuối cùng trong lễ hội vía Bà Chúa Xứ núi Sam diễn ra hằng năm.
IV. Một số kinh nghiệm khi tham gia lễ hội
Nếu bạn đang ý định tham gia lễ hội vía Bà chúa Xứ núi Sam thì nên lưu ý đến một số vấn đề như:
- Lễ hội có sự tham gia đông người nên không tránh khỏi xô đẩy, chen chúc vậy nên hãy bảo quản tài sản thật tốt.
- Để an toàn thì không mua nhang đèn, lễ vật của những người bán dạo mà hãy tự chuẩn bị sẵn.
- Tuyệt đối không nhận lộc từ bất cứ ai nhét vào tay mình tránh hiện tượng bị chặn đòi tiền oan.
Trên đây là một số thông tin cơ bản về lễ hội vía Bà chúa Xứ núi Sam được nhiều bạn tìm hiểu. Hy vọng với những thông tin này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về lễ hội truyền thống của người Tây Nam Bộ. Đừng quên cập nhật những thông tin mới nhất về Lễ hội của chúng tôi nhé!